
ảnh Xuân Đạt
Gió mùa về kéo người ta về với những chuyện đời thường quanh mình như những bước chân những mệ, những o vẫn gánh hàng ra chợ sớm; trẻ con xúng xính trong áo ấm đến trường và những chuyến xe cứu trợ lũ lụt vẫn nối đuôi nhau qua Huế đến với những miền quê nghèo kiệt quệ sau lũ lụt. Gió mùa về sẽ kéo theo những vạt mưa màu xám quét dài từng vệt phố; những chiếc áo mưa lụp xụp chầm chậm thư thả trên phố; những đốm lửa nhỏ từ bếp than của mấy hàng quán bên đường…Mùa đông làm cho đời sống Huế chậm lại, mềm mại theo đúng chất của một thành phố cổ. Bởi vậy những người Huế tha phương thấy nhớ quê nhà hơn khi mùa đông đã đến
Ra đường, đến chợ hay vô quán cà phê vẫn nghe ai đó than ngắn, thở dài cái câu quá cũ của mấy mùa đông thấy thân thương lắm: “ Cái xứ mình mưa chi mà mưa lạ, mần chi ra mà ăn…”. Nhưng thiệt lạ là khi trời tạnh ráo, hanh khô thì người Huế ai cũng mong mưa đi, lạnh đi…
“Mưa lạnh để làm chi hè?”. Để mấy chị em phụ nữ có cơ hội trưng diện mấy bộ thời trang mùa đông ra đường; để cánh đàn ông có thêm cơ hội bù khú nhiều hơn trong quán xá. Nhưng có lẽ mùa đông xứ Huế còn có nhiều ý nghĩa hơn thế. Huế không mưa mùa đông thì không còn là Huế. Thành quách, lăng tẩm, đền đài xứ Huế chờ những cơn mưa dài để ngời xanh sắc rêu. Nước sông An Cựu chờ mưa để mà trong. Gần đây thì có không ít người chờ mưa để lấy nguồn cảm hứng, cho dù đó chỉ là một status ngắn thôi để sẻ chia tình cảm với bạn bè trên facebook…
Đã quen rồi những cơn gió lạnh lùa hun hút vào da thịt, những hàng cây trụi lá vươn những cành khẳng khiu như vẽ nỗi cô đơn lên bầu trời màu xám. Đã quen với một mùa đông dài xứ Huế mưa lê thê tưởng chừng như người ngợm cũng ẩm mốc theo. Ai đó nói mùa đông xứ Huế buồn như một tiếng kinh cầu. Tôi đã từng trú ngụ nỗi buồn trong tiếng kinh cầu đó; để những chiều mùa đông mà thấy vắng hơi giá, chút mưa bay bay ngoài trời thì lòng thấy bất an. Gió mùa đông bắc đang về với Huế…
Phi Tân |