Rực rỡ sắc màu “hoa hương”

“Rực rỡ sắc màu”, “bắt mắt”… đó là những từ ngữ mà những ai đã ghé thăm cảm nhận về làng hương Thủy Xuân (TP Huế). Nằm cuối đường Lê Ngô Cát, làng hương là một địa điểm du lịch mà bất cứ ai cũng muốn tham quan, chụp hình lưu niệm với những “bông hoa hương”. Và có người còn nói vui mới nhìn cứ tưởng các chân hương xòe ra là pháo hoa thu nhỏ.

Ban đầu chỉ có màu nâu và đỏ, người thợ mày mò phối màu để từ đó có thêm nhiều màu sắc bắt mắt như xanh lá cây, tím… Từng bó hương xòe thành từng chùm, dựa vào nhau mang lại một hình ảnh đẹp khiến người ngắm trầm trồ, thích thú chụp ảnh. Từ cây hương bé xíu nhưng khi được làm thành bó mang đậm tính thẩm mỹ; đồng thời thể hiện sự khéo tay, tỉ mẩn của người thợ trong việc làm ra chúng.

Hầu hết người dân ở đây đều sống bằng nghề làm hương. Nghề truyền thống của ông cha đã ăn sâu vào máu thịt của người dân làng Thủy Xuân. Họ say mê, yêu nghề dù giá thành mỗi bó hương rất bình dân, chỉ từ vài chục nghìn đồng/bó.

Làng hương Thủy Xuân cung cấp ra thị trường đủ các loại hương như: hương quế, hương dầu sả, hương thơm tẩy mùi, nụ trầm,... nổi bật nhất là hương trầm. Hương của làng không sử dụng hóa chất, chỉ dùng các loại hương liệu, nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường, sức khỏe con người nên có màu vàng sáng hơn các loại hương những nơi khác và mùi hương đặc trưng dễ chịu.

Với việc đã được UBND tỉnh công nhận nghề hương trầm Thủy Xuân là nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ góp phần gìn giữ và phát huy nghề làm hương nơi đây mà còn tạo nên điểm đến hấp dẫn, quảng bá thêm ngành nghề thủ công đến với du khách gần xa.


Nằm cuối đường Lê Ngô Cát (TP Huế), làng hương là một địa điểm du lịch mà bất cứ ai cũng muốn tham quan, chụp hình lưu niệm với những “bông hoa hương”

Những “bông hoa hương” khoe sắc trong nắng

Từ cây hương bé xíu nhưng khi được làm thành bó, tạo dáng xòe mang đậm tính thẩm mỹ

Nghề truyền thống của ông cha đã ăn sâu vào máu thịt của người dân làng Thủy Xuân

Sự khéo tay, tỉ mẩn của người thợ trong việc làm ra cây hương

Chân hương phổ biến với màu vàng và màu đỏ...

Người thợ mày mò phối màu để từ đó có thêm nhiều màu sắc bắt mắt như xanh lá cây, tím,...

Với bí quyết riêng biệt tạo nên mùi hương đặc trưng, làng hương Thủy Xuân đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng từ xưa đến bây giờ của người dân xứ Huế

Nhiều người nói vui rằng nhìn không khác gì pháo bông thu nhỏ

Nghề làm hương đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn mới có thể tạo ra nhũng cây hương hoàn chỉnh

Từng bó hương xòe thành từng chùm, dựa vào nhau mang lại một hình ảnh đẹp khiến người ngắm trầm trồ…

…và không ai muốn bỏ lỡ hình ảnh lưu niệm đẹp như thế này

Cách sắp xếp, phối màu một cách tinh tế, đẹp mắt của những “bông hoa hương”

Có thể xem là những tác phẩm nghệ thuật của người thợ làm hương Thủy Xuân

UBND tỉnh công nhận nghề hương trầm Thủy Xuân là nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế góp phần gìn giữ và phát huy nghề làm hương

Xuân Đạt