Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế chế tạo robot để hỗ trợ công tác y tế

Để giảm bớt khối lượng công việc cho các nhân viên y tế hay tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên y tế và bệnh nhân trong khu cách ly cũng như đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ y tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19, trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) đã chế tạo Robot hỗ trợ công tác y tế tại bệnh viện thành phố Huế.


 Trước khi đưa vào sử dụng, Robot vận hành tốt trong buổi chạy thử tại nhà trường.

Sản phẩm Robot đã được khoa Điện – Điện tử của Trường CĐ Công nghiệp Huế chế tạo được làm bằng inox, ba tầng và vận hành bằng nguồn ắc quy 12 vol, trên robot có hệ thống loa để thông báo, có camera để quan sát người trong phòng cách ly, theo dõi tình trạng người cách ly cũng như tương tác 2 chiều giữa bác sĩ và bệnh nhân; hỏi đáp trực tiếp thông qua hình ảnh và giọng nói micro trên robot mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Được biết chi phí để chế tạo robot này khoảng 10 triệu đồng và được vận động nguồn kinh phí đóng góp từ tập thể cán bộ, giảng viên của nhà trường.

 
Với người sử dụng robot sẽ điều khiển robot thông qua ứng dụng trên hệ điều hành Android của điện thoại đi động thông minh có kết nối wifi thay cho con người làm một số việc vận chuyển thức ăn nước uống chăn chiếu mùng mền để cung ứng đồ dùng cho bệnh nhân nghi nhiễm dịch bệnh Covid-19, từ đó hạn chế sự tiếp xúc không cần thiết của nhân viên y tế, lực lượng phòng chống dịch với bệnh nhân.
 

Robot vận chuyển đồ dùng cho bệnh nhân nghi nhiễm dịch bệnh Covid-19
tại Bệnh viện Tp Huế.
 
Được biết, trong thời gian tới các thầy trò trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số tính năng hỗ trợ như đo thân nhiệt từ xa. Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Bệnh viện TP.Huế bộc bạch: “Việc chế tạo robot của nhà trường đã góp phần hỗ trợ ngành y tế trong việc bảo vệ bác sỹ, nhân viên y tế khi điều trị tại các khu vực đặc biệt, có khả năng lây nhiễm lớn”. 
 
Có thể nói, việc đưa robot vào khu vực cách ly không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, mà còn giảm thời gian tiếp xúc giữa người nghi nhiễm, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch cũng như đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ nhân viên y tế, nhờ đó bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm chéo virus SARS-CoV-2. Và cũng là thành quả nghiên cứu khoa học công nghệ của trường Cao đẳng Công nghiệp Huế rất kịp thời khi đưa vào ứng dụng trong đời sống cấp bạch như hiện nay.
 
Hoàng Hạnh